Sóng Elliott là gì? Nguyên lý & cách giao dịch với sóng Elliott

Sóng Elliott là một trong những lý thuyết được ứng dụng chuyên sâu trong phân tích kỹ thuật. Nhờ vào sóng Elliott, các nhà đầu tư có thể xác định được thị trường đang ở trong giai đoạn nào của chu kỳ, từ đó dự đoán xu hướng tiếp theo. Vậy cụ thể, sóng Elliott là gì? Cách giao dịch với mô hình sóng Elliott như thế nào? Hãy cùng Lịch kinh tế tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Sóng Elliott là gì?

Sóng Elliott (Elliott Wave) là tập hợp các mô hình giá đại diện cho các biến động có thể xảy ra trong quá trình phát triển của thị trường. Nó bao gồm các giai đoạn tăng trưởng, suy yếu và ổn định. Các phân đoạn giá này sẽ có kích thước và mô hình khác nhau.

Sóng Elliott bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, lặp đi lặp lại. Nó thể hiện tâm lý của đám đông trong quá trình giao dịch. Tâm lý này xuất phát từ bản chất con người như tham lam, sợ hãi, hy vọng hay cố chấp… Nếu không có những biến chuyển tâm lý này chứng tỏ không có giao dịch mua bán sẽ là “thị trường chết”. 

song elliott

Sóng Elliott là gì?

Lý thuyết này dù đã có niên đại hơn trăm năm, nhưng đến nay nguyên lý của nó vẫn đúng. Dựa trên mô hình sóng Elliott nhà đầu tư có thể đoán biết được thị trường đang trong giai đoạn nào. Từ đó có thể tìm kiếm chính xác điểm để vào lệnh, đặt stop loss ngắn hơn và xác định take profit dài hơn.

Lịch sử ra đời lý thuyết sóng Elliott

Lý thuyết sóng Elliott được phát minh bởi một kế toán viên người Mỹ có tên là Ralph Nelson Elliott (1871 – 1948). Ông vừa là một kế toán, vừa là một tác giả viết sách. Sau nhiều năm nghiên cứu, Elliott phát hiện ra rằng thị trường không biến động một cách hỗn loạn mà “chạy” theo những chu kỳ lặp đi lặp lại.

Điều này là do cảm xúc của các nhà đầu tư thường bị tác động bởi các thông tin bên ngoài hoặc do tâm lý đám đông tại thời điểm đó. Ông cho rằng, nếu nhà đầu tư nhận diện đúng những mô hình lặp lại trong giá, thì họ có thể dự đoán được giá sẽ đi về đâu tiếp theo.

Tên của lý thuyết này được đặt theo tên của Elliott. Nội dung sóng Elliott đã được ông xuất bản lần đầu tiên vào năm 1938 trong cuốn sách “The Wave Principle”. Đến năm 1939, ông đã tổng kết toàn bộ nội dung của lý thuyết sóng Elliott trong tạp chí Financial World và xuất bản trong cuốn “Nature’s Law” vào năm 1946.

Nguyên lý này không chỉ đúng trong thị trường chứng khoán, mà ngày nay nó đã được áp dụng để phân tích các thị trường tài chính khác bao gồm có Forex.

Cấu trúc sóng Elliott

Để áp dụng lý thuyết sóng Elliott vào phân tích kỹ thuật thì trước tiên nhà đầu tư cần phải nắm rõ cấu tạo. Từ đó, mới có thể dễ dàng nhận biết và có hướng đi cho mình. Cụ thể cấu trúc sóng Elliott sẽ gồm các phần như sau.

1. Mô hình sóng đẩy 5 – 3

Đây là mô hình chủ đạo của sóng elliott và được đánh dấu theo các số 1, 2, 3, 4, 5. Trong đó, 1,3,5 sẽ là những sóng tăng còn 2, 4 sẽ là sóng giảm (hay còn gọi là sóng điều chỉnh của 1, 3, 5).

song day 5 3

Đặc điểm của từng sóng trong mô hình này như sau:

  • Sóng 1: Hướng từ dưới lên trên điểu đạt thị trường đang bắt đầu trong xu hướng tăng. Hình thành nên đợt sóng này là do một nhóm nhỏ nhà đầu tư cảm thấy đây là thời điểm tốt để mua dẫn đến giá tăng.
  • Sóng 2: Hướng sóng giảm nhẹ do nhà đầu tư cảm thấy đã đặt được mục tiêu sẽ tạm thời dừng mua. Thị trường lúc này chững lại một chút nhưng không giảm quá nhiều.
  • Sóng 3: Hướng sóng tăng với bước sóng dài. Đây là thời điểm thị trường đang nằm trong xu thế thuận lợi nhất. Nhiều nhà đầu tư cùng tham gia vào hoạt động mua làm giá bị đẩy lên cao, thị trường tăng vọt.
  • Sóng 4: Hướng sóng giảm do thời điểm này một số nhà đầu tư dừng hoạt động mua và thực hiện chốt lời vì cảm thấy mức tăng của thị trường đã đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nhà đầu tư chờ đợi mức giá cao hơn để vào lệnh nên sóng này vẫn khá yếu.
  • Sóng 5: Sóng tăng mạnh nhưng bước sóng không quá sóng 3. Đây là thời điểm mà nhiều người bị dẫn dắt bởi sự kích động nên ồ ạt mua vào đẩy giá lên cao. Tuy nhiên nhiều người cũng sẽ bắt đầu bán ra và mô hình ABC tiếp theo sẽ được hình thành.
  • Sóng đẩy mở rộng: Một trong 3 sóng đẩy 1, 3, 5 sẽ có hiện tượng mở rộng, tức là nó sẽ dài hơn 2 sóng còn lại. Theo Elliott thì sóng mở rộng sẽ là sóng 5 nhưng khi phân tích thị trường thì nhiều người thường cho rằng sóng 3 mới là mở rộng bởi nó dài hơn 2 sóng còn lại.

2. Mô hình sóng điều chỉnh ABC

Sau sóng đẩy sẽ đến mô hình sóng hồi hay còn gọi là sóng điều chỉnh. Giá tại thời điểm này sẽ bao gồm các hành động giá đi ngược với xu hướng chính, được biểu thị bằng các mô hình nằm ngang hoặc đi xuống.

song dieu chinh a b c

Mô hình sóng điều chỉnh sẽ được ký hiệu bằng các chữ cái A, B, C biểu thị cho 3 sóng nhỏ. Theo Elliot có đến 21 mô hình sóng điều chỉnh khác nhau nhưng cũng chỉ xuất phát từ 3 dạng sóng dưới đây:

  • Sóng điều chỉnh ZigZag

Mô hình sóng Zigzag này sẽ bao gồm 3 sóng phụ A, B, C trong đó A và C sẽ lớn hơn độ dài sóng B và B là điều chỉnh của AC. Sóng điều chỉnh  Zigzag này thường rất dốc và đi ngược lại xu hướng chính.

mo hinh song ZigZag

Trong một đợt điều chỉnh có thể xuất hiện 2 đến 3 mẫu hình Zigzag liên tiếp nhau ( double/ triple Zigzag). Mỗi mô hình sóng Zigzag lại có thể chia thành 5 mô hình sóng nhỏ. Các nhà đầu tư gọi nó là sóng trong sóng. 

  • Mô hình phẳng – Flag

Trong vùng tích lũy thường xuất hiện sóng điều chỉnh ngang này. Chiều dài của sóng trong mô hình này tương đối bằng nhau. Sóng A và C sẽ cùng chiều nhau và ngược sóng B. Nói tương đối vì đôi khi sóng B có thể vượt qua điểm bắt đầu của sóng A.

mo hinh song phang

  • Mô hình tam giác 

Mô hình của sóng điều chỉnh này sẽ bao gồm 5 sóng phụ lần lượt là A, B, C, D và E. 5 sóng trong mô hình này sẽ di chuyển trong giới hạn của 2 đường xu hướng. Nó phản ánh sự cân bằng và hình thành dưới dạng mô hình đi ngang thu hẹp hoặc mở rộng. 

mo hinh tam giac

3. Sóng nằm trong sóng Elliott

Trong nguyên lý sóng Elliott, cấu trúc hoàn chỉnh của một sóng sẽ bao gồm sóng động lực và sóng điều chỉnh. Mỗi sóng này lại được tạo thành từ những sóng nhỏ hơn. Mô hình này cứ lặp đi lặp lại mãi tạo ra xu hướng của thị trường

Để dễ dàng hơn trong việc nhận biết sóng, Elliott đã đặt tên cho các sóng theo thứ tự từ lớn đến nhỏ của khung thời gian:

  • Sóng Grand Supercycle: Sóng siêu chu kỳ lớn kéo dài hàng thế kỷ
  • Sóng Supercycle: Sóng siêu chu kỳ có thể kéo dài từ 40 đến 70 năm
  • Sóng Cycle: Sóng chu kỳ kéo dài từ 1 đến vài năm
  • Sóng Primary: cấp độ sóng xu hướng chính kéo dài từ vài tháng đến 2 năm
  • Sóng Intermediate: Cấp độ sóng trung hạn kéo dài trong vài tuần đến vài tháng.
  • Sóng Minor: Cấp độ sóng con kéo dài trong vài tuần
  • Sóng Minute: Cấp độ sóng nhỏ có thời gian vài ngày
  • Sóng Minuette: Cấp độ sóng rất nhỏ chỉ kéo dài trong vài giờ
  • Sóng Sub-Minuette: Cấp độ sóng siêu nhỏ chỉ kéo dài trong vài phút.

mo hinh song trong song

Một sóng siêu chu kỳ lớn thì được cấu thành từ các sóng siêu chu kỳ. Một sóng siêu chu kỳ được cấu thành từ nhiều sóng chu kỳ. Một sóng chu kỳ được cấu thành từ các sóng chính. Một sóng chính được cấu thành từ các sóng trung gian. Một sóng trung gian được cấu thành từ các sóng con. Một sóng con được cấu thành từ các sóng nhỏ. Một sóng nhỏ được cấu thành từ các sóng rất nhỏ. Một sóng rất nhỏ được cấu thành từ các sóng siêu nhỏ.

Ba quy tắc chính của sóng Elliott

Điều quan trọng nhất khi sử dụng lý thuyết sóng Elliott là bạn phải nhận diện đúng sóng. Khi đó, bạn sẽ biết được thị trường đang ở sóng nào, từ đó dự đoán thị thị trường sẽ đi đâu để có hướng giao dịch phù hợp. Việc đếm sóng sai sẽ phá hủy toàn bộ chiến lược giao dịch của bạn. Do đó, bạn cần ghi nhớ 3 quy tắc chính không thể phá vỡ trong việc đếm sóng sau đây:

  • Quy tắc 1: Sóng 3 không bao giờ là sóng ngắn nhất trong số các sóng đẩy.
  • Quy tắc 2: Sóng 2 không bao giờ được vượt khỏi điểm hình thành sóng 1 .
  • Quy tắc 3: Sóng 4 không bao giờ được đi vào vùng giá của sóng 1.

3 quy tac cua song elliott

Tuy nhiên trong quá trình giao dịch, nhà đầu tư có thể gặp một số trường hợp sau do ảnh hưởng biến động của thị trường:

  • Đỉnh của sóng 5 đôi khi không thể đi xa hơn vùng kết thúc của sóng 3.
  • Sóng 5 thường sẽ vượt lên hoặc cắt xuống đường xu hướng được vẽ song song từ sóng 3 với đường xu hướng nối điểm bắt đầu sóng 3 và sóng 5.
  • Sóng 3 có khả năng cao là sóng mở rộng và dài nhất trong 5 sóng
  • Sóng 2 và sóng 4 thường sẽ bật lại khi gặp các vùng Fibonacci.

Đặc điểm của sóng Elliott

Đặc điểm của sóng Elliott chính là đặc điểm của từng sóng cấu tạo nên nó. Dù trong thị trường tăng giá hay giảm giá, các sóng đều sẽ có những đặc điểm sau:

  • Sóng 1: Sóng 1 khi bắt đầu thường không rõ ràng, các tin tức được tung ra vào giai đoạn này thường khá tiêu cực. Do đó, xu hướng thị trường có tăng nhưng không mấy mạnh mẽ.
  • Sóng 2: Đây là sóng điều chỉnh của sóng 1, nhưng không thể vượt ra ngoài sóng 1. Tâm lý thị trường lúc này chưa ổn định, tin tức vẫn còn xấu, các nhà đầu tư đang xem xét lại vấn đề về giá và định hướng. Khối lượng có sụt giảm bởi đám đông vẫn chưa tin tưởng về xu hướng thị trường mới. Sóng 2 thường không thoái lui quá 61.8% của sóng 1.
  • Sóng 3: Đây là sóng mạnh nhất mang những tín hiệu tích cực của thị trường. Đám đông dần xác định xu hướng mới và đưa ra nhận định thị trường có những biến chuyển tốt. Một số nhà đầu tư đặt lệnh sớm với mong muốn sẽ đạt được mức lợi nhuận tương đối. Sóng 3 thường mở rộng sóng 1 theo tỷ lệ 1.618: 1.
  • Sóng 4: Đây là sóng hồi với diễn biến khá phức tạp. Nhiều nhà đầu tư mong muốn thị trường sẽ diễn biến tốt hơn và chờ đợi điểm vào lệnh tốt nhất. Trong khi đó những nhà đầu tư đặt lệnh trước đó lại có xu hướng chốt lời và cảm thấy đủ. Sóng 4 thường thoái lui ít hơn 38.2% của sóng 3
  • Sóng 5: Đây là sóng tăng bởi hầu như toàn bộ thị trường đều tham gia vào hoạt động giao dịch. Đám đông luôn tin rằng xu hướng đang tiếp tục tiếp diễn và thời điểm này các tin tức khá tích cực. Nhưng tại vùng giá này, mặc dù cao hơn sóng 3 nhưng khối lượng giao dịch lại thấp hơn nhiều.

dac diem cua song elliott

  • Sóng A: Mặc dù nằm trong sóng hồi nhưng những tin tức cơ bản thị trường vẫn đang ở trạng thái tích cực. Sóng A chỉ như một sự điều chỉnh nhỏ trong thị trường và diễn biến của nó thường gắn liền với sự gia tăng khối lượng giao dịch.
  • Sóng B: Giá trong sóng này sẽ đảo ngược so với sóng A. Nhiều nhà đầu tư xem đây là sự trở lại của thị trường bò và xác nhận đây là vai phải trong mô hình giá đảo chiều vai đầu vai. Khối lượng giao dịch trong sóng này cũng sẽ thấp hơn sóng A. Những tin tức trong sóng B mang tính trung bình, không quá tích cực nhưng không phải là tiêu cực.
  • Sóng C: Xu hướng giảm sâu và thấp hơn so với 5 sóng đẩy. Khi này là thời điểm thị trường gấu vững vàng. Sóng C thường lớn hơn sóng A và mở rộng đến 1,618 lần sóng A hoặc vượt ra ngoài.

Cách đếm sóng Elliott

Để phân tích chính xác thị trường bằng lý thuyết của Elliott, nhà đầu tư cần nắm rõ quy tắc đếm sóng. Cụ thể khi đếm sóng bạn cần tìm được các đợt sóng như sau:

  • Sóng 1 sẽ có xu hướng tăng nhưng không quá mạnh.
  • Sóng 2 xu hướng  giảm tức là sóng hồ và chỉ bắt đầu khi sóng 1 hoàn tất
  • Sóng 3 xu hướng tăng mạnh mẽ nên sẽ có khoảng cách dài 
  • Sóng 4 là sóng hồi và không được thấp hơn sóng 1 đồng thời bị ngăn cách bởi sóng 2 và 3.
  • Sóng 5 tăng mạnh nhưng không lớn hơn sóng 3.

Còn đối với sóng hồi sẽ có cách tính theo 3 sóng A, B, C thay vì 5 số như sóng đẩy.

Hướng dẫn giao dịch theo sóng Elliott

Sau khi đã biết cách nhận biết mô hình sóng Elliott, nhà đầu tư có thể vận dụng nó vào trong việc phân tích đầu tư. Các bước giao dịch theo sóng Elliott đúng chuẩn như sau:

1. Bước 1: Phân tích thị trường

Để giao dịch với sóng Elliott hiệu quả trước tiên cần nắm vững nguyên tắc đếm sóng và có cái nhìn tổng quát về toàn bộ biểu đồ. Nhà đầu tư cần nắm rõ các diễn biến trước sau và trong khi mô hình sóng xảy ra. Điều này sẽ giúp nhận định thị trường chính xác hơn.

cach giao dich voi song elliot

2. Bước 2: Vào lệnh

  • Nếu sóng điều chỉnh tăng, chứng tỏ giá sẽ còn tiếp tục tăng cao như vậy nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua.
  • Nếu sóng điều chỉnh giảm nhà đầu tư có thể tiến hành vào lệnh Sell để kiếm lời.

Ví dụ: 

Điểm đánh dấu đỏ trên hình chính là thời điểm giao dịch diễn ra sôi động nhất. Thị trường đang ở cao trào, các nhà đầu tư không kỳ vọng mức giá sẽ tiếp tục tăng. Để tạo nên sóng 5 này, hầu hết nhà đầu tư đều tham gia vào thị trường. Như vậy khi sóng 5 hoàn tất cũng là lúc nhà đầu tư tiến hành bán ra. Đây chính là điểm Sell tiềm năng mà nhà đầu tư có thể tham khảo đặt lệnh.

3. Bước 3: Chốt lời, cắt lỗ

  • Cắt lỗ hợp lý nhất là đặt stop loss dưới đỉnh sóng 5.
  • Đặt điểm chốt lời (take profit) tại điểm cách đáy sóng 4 một vài pip.

Mối quan hệ giữa sóng Elliott và chuỗi Fibonacci

Năm 1930, Nelson Elliott đã tìm ra các nguyên lý và cách vận hành của sóng. Tuy nhiên ông vẫn chưa thể áp dụng vào thực tiễn nhất là trong việc tìm điểm vào lệnh hợp lý. Như vậy đến thời điểm đó, lý thuyết Elliott cũng chỉ là lý thuyết suông và không có tính ứng dụng.

10 năm sau, ông đã kết hợp chuỗi Fibonacci vào mô hình của mình và khắc phục được những nhược điểm đang tồn tại của nguyên lý sóng. Nhiều nhà đầu tư bắt đầu nhận thấy sự hợp lý của mô hình sóng với tâm lý thị trường và bắt đầu đón nhận nó. 

Như vậy, khi kết hợp giữa nguyên lý sóng Elliott và dãy Fibonacci sẽ tạo lập nên những nguyên tắc phân tích thị trường chặt chẽ và khoa học hơn. Nguyên lý sóng Elliott chính là nền tảng lý thuyết tạo nên khung sườn còn chuỗi Fibonacci chính là thước đo biên độ dao động và thời gian kết thúc.

Tại các mức hỗ trợ và kháng cự, chuỗi Fibonacci đóng vai trò quan trọng và cho ra kết quả đáng tin cậy hơn. Nhất là trong chuỗi sóng đẩy, sóng 5 sẽ chịu tác động của sóng thứ ba chứ không phải là sóng 4. 

Kết luận

Trên đây là toàn bộ nội dung về sóng Elliott và cách giao dịch với mô hình sóng Elliott hiệu quả nhất. Việc xác định sóng Elliott khá phức tạp nên nhiều nhà đầu tư thường bỏ qua nguyên lý này. Tuy nhiên, khi đã hiểu rõ về lý thuyết sóng elliott các nhà đầu tư sẽ xác định được hình thái của thị trường và tìm điểm vào lệnh chính xác. 

Chúc các nhà đầu tư thành công với mô hình sóng Elliott!

Được đề xuất